Thứ Tư, 12 tháng 9, 2007

Chuyện những con chim sẻ

Dưới ô cửa sổ của tôi là mảnh vườn nhỏ có hàng rào thấp bằng gang bao quanh. Mùa đông người quét sân thường vun tuyết thành đống bên hàng rào khi quét dọn. Còn tôi thích ném những vụn bánh mỳ qua cửa thông gió cho lũ chim sẻ. Bọn sẻ nhìn thấy bữa tiệc liền từ khắp mọi phía bay tới, xà xuống đậu trên cành cây ngay ngoài cửa sổ. Chúng đậu rất lâu, sợ sệt nhìn ngó chung quanh, không chịu xà xuống đất. Chắc hẳn những người qua lại trên đường làm chúng không yên tâm.
Và rồi một chú sẻ lấy hết can đảm bay xuống, đậu trên tuyết, bắt đầu mổ mổ cái mỏ bé xíu vào vụn bánh mỳ. Một con khác thấy vậy sà xuống theo. Rồi con thứ ba, thứ tư… Chẳng mấy chốc, gần như cả đàn sẻ đã ở dưới tuyết, chén ngon lành những vụn bánh. Chẳng con nào thèm để ý đến những người qua lại trên đường nữa.
Theo tập tính của mình, lũ chim sẻ sống với nhau thành đàn, rất hoà thuận. Chúng thích ăn với nhau, như người ta vẫn nói, trên cùng một bàn ăn. Kìa, một chú sẻ sán đến gần một mẩu bánh mỳ, ngậm mỏ vào nó từ phía dưới. Một con khác ngẩng cao đầu, ưỡn ngực kiêu hãnh như một chú ngựa chiến, mổ vào chính mẩu bánh đó từ phía trên. Chợt nhận ra mình đang quấy nhiễu bạn mình, nó liền bỏ sang mẩu bánh khác nằm cách đó không xa “Những mẩu vụn bánh này rất nhiều, đủ cho tất cả mọi người. Bằng dáng điệu của mình, nó muốn nói cho cả đàn biết. Chẳng việc gì phải tranh nhau!”.
Tất nhiên chẳng phải con nào trong đàn cũng có tình đồng loại như nó. Có những con cắp mẩu bánh mỳ lẩn sang một phía rồi mới mổ ăn, để không bị ai quấy rầy.
Với những con sẻ có thói ích kỷ như vậy, không thể không chê cười. Như con sẻ kia, vừa moi dưới tuyết lên được một mẩu bánh mỳ khá to, cố tha ra xa những con khác, đang định ăn, thì đột nhiên một con khác từ cạnh sườn bất ngờ bay tới, cướp mẩu bánh, bay lên cao. Nó cười mũi, nhìn con sẻ bất hạnh đang kinh ngạc, há hốc mỏ, đứng phía dưới.
Đã từ lâu, tôi nhận ra con sẻ chuyên cướp mồi của bạn này, và đặt tên cho nó là A-phôn-ca, và họ nó là Vrét-nưi, tức là đồ có hại. Con A- phôn-ca Vrét-nưi này chẳng bao giờ ăn chung với cả đàn. Nó thường bay tới khi không ai để ý, cướp mẩu bánh to nhất ngay trước mũi một con sẻ nào đó, bay về chỗ của mình dưới mái hiên. Một lần, nó ngậm ở mỏ một mẩu bánh to cứ kéo đầu của nó chúc xuống, nó cứ thế chổng ngược đuôi lên trời mà tha mẩu bánh bay về. Nó vỗ cánh trong không khí mạnh kinh người, tiếng phành phạch lọt vào phòng tôi xuyên qua cả hai lần cửa kính.
Tôi cảm thấy rồi đến lúc nào đó, thế nào con A-phôn-ca Vrét-nưi này cũng lộn cổ xuống đất vì một mẩu bánh nặng quá sức. Tôi cố tình ném cho nó một mẩu bánh thật to, để xem lòng tham sẽ dẫn nó đến đâu.
ở trong đàn còn có một con sẻ khoẻ mạnh là một kẻ hay gây sự đánh nhau. Con hay gây sự này bay xà xuống một con sẻ hiền lành nào đó, như kiểu bổ nhào của diều hâu, sô bật nó sang một bên, cướp mẩu bánh, rồi lại chồm sang con khác cướp bánh, rồi lại… cứ thế tiếp tục. Hoặc do bị lòng ganh tỵ dầy vò, hoặc do những mẩu bánh của người khác ngọt ngào hơn, mà lúc nào nó cũng chỉ làm một việc: sấn sổ cướp bánh của những con khác. Cuối cùng, rồi nó cũng gặp một kẻ hay gây sự khác, hay đơn giản hơn, gặp một con sẻ hiền lành, không cướp của người, nhưng cũng không để ai cướp của mình. Thế là trận ẩu đả giữa hai bên xẩy ra. Chúng nhẩy lên, đạp vào ngực nhau, y như những chú gà trống. Kẻ gây sự cố ra sức mổ, đạp, làm sao cho đối thủ bị đau hơn. Nhưng đối thủ không chùn bước. Cứ thế, chúng quần nhau, quên cả chuyện bánh mỳ. Với những con sẻ gây sự như vậy thì không chê cười sao được.
Ăn hết những vụn bánh, lũ chim sẻ bay lên, đậu tản mát trên các cành cây, chúng nghỉ ngơi, “rửa mồm” bằng cách quyệt quyệt mỏ vào cành. Lúc đã no nê, trông chúng hả hê lắm.
Một bận, tôi quyết định dành cho chúng một món quà bất ngờ. Tôi nghĩ “Ôi, những con sẻ đáng thương, cứ phải nhảy nhót trên tuyết như thế thì tê cóng hết chân. Thôi, thì cứ việc ở tại chỗ mà sơi tiệc, không phải xuống khỏi cây làm gì “.
Tôi đội mũ, mặc áo bành tô đi ra mảnh vườn nhỏ, và gài lên các cành cây những mẩu ruột bánh mỳ.
“Nhất định các chủ sẻ sẽ rất vui mừng”, tôi nghĩ.
Tôi quay vào nhà đợi. Phải cả tiếng đồng hồ dán mắt vào ô cửa sổ mà chẳng thấy bóng dáng một con sẻ nào bay xuống.
“Sao thế nhỉ, tôi nghĩ. Chẳng lẽ chúng không nhìn thấy?”.
Bỗng một chú sẻ với bộ lông sơ sác đến kỳ lạ từ trên cao bay đến, đậu xuống cành cây, ngay cạnh một mẩu ruột bánh mỳ. Đuôi nó ngắn ngủn, y như vừa bị làm lông, nổi cục sần sùi. Trên lưng một chiếc lông gẫy chọc thẳng lên trời.
“Cái thằng khùng nào bay đến với mình thế này, tôi nghĩ. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy con nào như vậy. Có lẽ nó vừa thoát khỏi nanh vuốt một con mèo nào đó vồ trượt nó, hoặc vừa trải qua một trận quyết đấu với con chim sẻ khác”.
Trong khi đó, “Thằng khùng” đậu trên cành, không thèm để ý đến miếng ruột bánh. Rồi nó tình cờ nhìn thấy, sợ hãi chớp chớp mắt, hàm dưới của nó trễ xuống, các ngón chân không bám được vào cành nữa, và “Thằng khùng” rơi thẳng xuống như bị trúng đạn. Rơi được nửa chừng nó bất ngờ rùng mình, đập cánh bay lên cao dần, vạch một đường chéo qua đường, bay đi đâu mất.
Tôi đã cười phá lên, hiểu ra rằng con chim sẻ ngốc ngếch này bị hoảng khi nhìn thấy miếng ruột bánh ghim trên cành cây. Có thể nó không phát hiện những miếng ruột bánh khác ghim chung quanh trên các cành cây, và đậu xuống theo thói quen. Rồi sau đó nhìn thấy ngay bên cạnh mình vật gì đó lạ lùng, chưa bao giờ thấy, vì vậy hoảng hốt, rơi khỏi cành cây. Thì rõ là từ xưa đến nay, nó chưa từng nhìn thấy những mẩu bánh mỳ ở trên cây như vậy bao giờ.
Những con khác, có khả năng quan sát lâu hơn, thì đã thấy ngay trên cành cây có gì đó khác thường, không giống như mọi khi, và thế là không dám đậu xuống. Có lẽ chúng không thể đoán ra là những mẩu ruột bánh mỳ.
Những con chim sẻ, những con chim nhẩy lách nhách vui vẻ ấy tuy bé bỏng, nhưng rất cẩn thận, và tất cả những gì không nhận biết được rõ ràng đều làm chúng sợ hãi.
Tất nhiên, tôi không biết lũ chim sẻ nghĩ gì, có thể chúng cho rằng đây là con vật nguy hiểm mà chúng chưa từng gặp. Cho đến tận bây giờ, khi những mẩu bánh mỳ còn ghim trên cành, chẳng con sẻ nào dám bén mảng đến gần.
Nhưng tôi gỡ bỏ những mẩu bánh trên các cành cây đi, chúng lại bay đến, chẳng sợ hãi gì nữa.
Từ đó, chưa bao giờ tôi gặp lại “Thằng khùng”. Chắc nó là một con sẻ thần kinh bay lạc, một con sẻ của đường phố khác.
Nói chung thế giới chim sẻ làm tôi thích thú. Chúng nó “chích, chích” nhẩy nhót vui nhộn, thật dễ thương. Tôi suy nghĩ rất lâu, tại sao chúng ta lại chê cười chúng. Sau đó hiểu ra rằng nếu đặt mình vào chỗ của chúng, thì cũng như đặt vào giữa những con người vậy. Chúng ta vẫn thường chê cười những người chỉ biết chăm lo cho bản thân mình, không nghĩ đến người khác. Chê cười những kẻ thô lỗ vụng về, những người hay sinh sự, những thằng ngốc không tôn trọng ai ngoài bản thân, không biết hoà mình sống với mọi người. Chúng ta chê cười những kẻ tham lam, tư lợi, luôn cố gắng vơ vét cho riêng mình. Chê cười những kẻ tự cao tự đại, luôn cho rằng mình tốt hơn tất cả, còn những người khác thì chẳng ra gì. Chúng ta cười chê những kẻ dại khờ, nhu nhược, đớn hèn, luôn sợ hãi mọi thứ tầm phào.
Một người quen của tôi (một giáo sư rất thông thái) bảo tôi: Chúng ta cười chê lũ chim sẻ khi nhận ra chúng có cái gì đó giống như người.
Nhưng tôi lại cảm thấy ngược lại: Chúng ta cười chê những con người, khi chúng ta nhận thấy họ có cái gì đó giống như lũ chim sẻ.
Lúc nào bạn có thời gian rảnh rỗi, hãy thử suy nghĩ điều này.

Không có nhận xét nào: